Kỷ lục “tuần ghép tạng” và niềm tin sự sống được hồi sinh

2025-02-01 10:58:00.0

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép đồng thời tim-gan. (Ảnh: MINH HOÀNG)

Nhờ công tác truyền thông về ý nghĩa nhân văn của nghĩa cử cao đẹp này được lan tỏa, số người hiến tạng sau chết não đã tăng, nhiều người không may mắc bệnh hiểm nghèo được kéo dài sự sống.

Chỉ trong tuần thứ 2 của tháng 1/2025, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 21 ca ghép tạng. Đáng chú ý, với sự đồng thuận từ bốn gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y, bác sĩ đã tiến hành ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống từng ngày (bốn bệnh nhân ghép tim, một bệnh nhân ghép đồng thời gan-thận, ba bệnh nhân ghép gan, bảy bệnh nhân ghép thận).

Trong 21 ca ghép đó phải nhắc đến ca ghép gan-thận đồng thời cho ông V.H.Đ, 63 tuổi, quê ở Nam Định bị ung thư gan, xơ gan và suy thận độ V, tình trạng sức khỏe đẩy ông vào ranh giới nguy hiểm của sự sống và cái chết.

Ca phẫu thuật phức tạp được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi từng ghi dấu ấn với ca ghép gan-thận đồng thời đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 17/12/2019.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của ngành ghép tạng nước nhà, mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh lý đa cơ quan. Thành công của ca phẫu thuật không chỉ mang lại sự hồi sinh cho bệnh nhân mà còn là cột mốc quan trọng trong lịch sử y học Việt Nam.

Để thực hiện thành công 21 trường hợp ghép tạng trong sáu ngày, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm việc liên tục. Các ca phẫu thuật được phối hợp nhịp nhàng từng khâu với độ chính xác cao nhất. Mỗi ca ghép là một cuộc chạy đua với thời gian không kể ngày đêm.

Dù áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ, tất cả đều chung một mục tiêu là cứu sống bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt được con số 21 trường hợp ghép tạng trong một tuần, ghi nhận dấu mốc mới trong ngành y tế Việt Nam.

Theo PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau chết. Năm 2024, số ca chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng đã tăng lên 41; tổng số tạng hiến từ người cho chết não là 157, chiếm 12,9%, tăng gấp ba lần so với năm 2022 (4,7%) và năm 2023 (4,5%). Đây được coi là kỷ lục về số ca hiến tạng tại Việt Nam.

Những năm trước, số ca hiến tạng chỉ tập trung ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh thì 41 ca hiến tạng sau chết não của năm 2024 được thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố; có 15 bệnh viện trong cả nước tư vấn thành công chết não hiến tạng...

Để đạt được số ca hiến tạng tiếp tục tăng cao, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Ngày 19/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức.

Sự kiện đã lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham dự. Ngoài ra, trong năm 2024, nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện; nhiều bệnh viện, địa phương thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Bộ Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo cho cán bộ y tế các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, từ ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, tính đến hết năm 2024, cả nước đã thực hiện được 9.516 ca ghép tạng với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Riêng ba năm trở lại đây, mỗi năm thực hiện thành công trung bình 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tim-gan; lần đầu tiên thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới; thực hiện 12 ca ghép phổi...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số ca hiến, ghép tạng liên tục tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần tạng ghép của những người không mắc bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng. Mặt khác, tỷ lệ tạng ghép từ hiến sống vẫn còn cao (94%), trong khi tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não là rất thấp.

Hiện nay, Việt Nam hiện chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô, tạng của người cho chết não, trong khi đó, còn rất nhiều bệnh viện trên cả nước chưa thành lập được phòng, tổ tư vấn vận động hiến tạng; các chi phí cho các hoạt động hồi sức, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật liên quan ghép tạng vẫn chưa được xây dựng, thống nhất khiến cho nhiều bệnh viện còn gặp khó khăn trong hoạt động này.

Khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, mở rộng hoạt động lấy, ghép tạng. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật từ đó đưa ra những định mức kinh tế, kỹ thuật, xây dựng một mức giá tính đúng, tính đủ bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế.

Trong năm 2024, Bộ Y đã ban hành hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản, chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và người chết não; ban hành Thông tư số 48/2024/TTBYT ngày 31/12/2024 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết...

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu, vận dụng để đề xuất các chính sách chi trả cũng như cơ cấu giá hợp lý nhằm bảo đảm tính bền vững và thúc đẩy công tác hiến mô, tạng tại Việt Nam.

Đồng thời tăng cường ứng dụng thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký danh sách về ghép, tuân thủ các quy tắc điều phối bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận và ghép tạng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng, đây là điều quan trọng và cần thiết thúc đẩy hoạt động hiến-ghép mô, tạng ở Việt Nam.


nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3476800

PHƯỜNG ĐỒNG QUANG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 115 đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Mai Thị Phương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Đồng Quang. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.661
  • dongquang@thainguyencity.gov.vn