Gìn giữ nét đặc sắc của văn hóa Tết Việt

2025-02-01 11:23:00.0

(Chinhphu.vn) - Tết cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc của người Việt từ bao đời nay, là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, mang theo bao nhiêu kỳ vọng, ước mơ, khát vọng của con người về sự đổi mới, sự khởi sắc, may mắn và hanh thông.

Các bạn trẻ diện áo dài truyền thống bên cành đào thắm, lan tỏa vẻ đẹp thanh tao của nét văn hóa Tết Việt trong lòng Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày Tết

Tết là dịp vô cùng quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Nhiều hoạt động văn hóa trong ngày Tết cổ truyền mang đậm những giá trị nhân văn tốt đẹp, có ý nghĩa giáo dục, gắn kết cộng đồng như: Gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, tổ chức những trò chơi dân gian, lì xì đầu xuân năm mới... Qua đó, giúp cho mỗi người có gần gũi nhau hơn, hiểu thêm nhiều hơn về những phong tục tập quán của đất nước và vùng miền. Những năm gần đây, việc tổ chức những hoạt động này được nhiều địa phương, các tập thể chú trọng, góp phần tô đậm hơn sắc màu của những giá trị truyền thống. Ngày Tết, giống như một khoảng thời gian "đặt hẹn" cho những cuộc gặp gỡ sum vầy cùng gia đình, cùng bạn bè để thỏa những trông mong sau một năm vất vả lao động, học tập.

Tết đặc biệt hơn cả khi là dịp để những người con xa xứ được trở về quê hương, gặp gỡ người thân, bạn bè sau thời gian bận học tập, lo toàn "miếng cơm manh áo". Những khoảnh khắc đoàn viên thật ấm áp, quý báu và hạnh phúc, để lại những xúc cảm mãi không phai trong lòng những người xa quê. Người lớn giáo dục con trẻ và thể hiện lòng tưởng nhớ đến nguồn cội thông qua việc cúng tế gia tiên, đưa con cháu đi chúc Tết và thăm hỏi họ hàng nội ngoại.

Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... mang đậm nét rất riêng trong ẩm thực Tết của người Việt. Hình ảnh hoa đào, hoa mai, câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cho dù ở mỗi vùng miền khác nhau đều có những nét riêng biệt, nhưng đều gói trọn những mong đợi của con người vào một năm mới vẹn tròn, đầy đủ, thuận buồm xuôi gió.

Trang phục áo dài và những trang phục truyền thống ngày Tết đã trở thành "văn hóa thời trang" được phụ nữ Việt yêu thích. Các chị em, các bé gái diện những trang phục áo dài truyền thống, cách tân hiện đại với màu sắc ấm áp, rực rỡ để đi chúc Tết, lễ chùa đầu năm. Những dấu hiệu đó cho thấy, sự cố gắng của chúng ta trong việc giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc theo chiều hướng tiến bộ.

Kế thừa và phát huy truyền thống xưa trong cuộc sống hiện đại

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc gìn giữ những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình và cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho biết "Thời đại thay đổi kéo theo sự thay đổi của mọi thứ, từ những phong tục, tập quán đến các giá trị văn hóa truyền thống. Tết xưa, với những nét đặc trưng của từng giai đoạn, nay đã hòa quyện với sự hiện đại và giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa quốc tế.

G

Mâm cơm ngày Tết truyền thống của người Việt. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Trong Tết hiện đại ấy, chúng ta vẫn giữ được những giá trị cốt lõi. Điều này không chỉ giúp các thế hệ trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn tạo cơ hội để khẳng định những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Chính những nỗ lực đó giúp chúng ta định hình bản sắc văn hóa rõ ràng hơn trong mắt bạn bè quốc tế, điều này thực sự rất quan trọng", Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng bày tỏ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa của Tết truyền thống, chúng ta cần phải truyền thông về những giá trị văn hóa để không ngừng phát triển, tích cực giáo dục, tuyên truyền để cho tất cả mọi người từ miền núi đến miền xuôi, từ đồng bằng đến vùng hải đảo xa xôi, từ người lớn đến trẻ em, mọi lứa tuổi, mọi công dân trên đất nước hình chữ S phải hiểu được giá trị đích thực của văn hóa Tết để từ đó mỗi người sẽ có ý thức về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, phong tục ngày Tết.

Bên cạnh việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, chúng ta cũng phải chấp nhận những thay đổi mang tính tích cực để phù hợp với yêu cầu phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. "Thay đổi không có nghĩa là đứt đoạn đối với truyền thống mà phải chọn lọc những yếu tố tích cực, những yếu tố phù hợp để kế thừa và phát triển thì tôi nghĩ rằng đó là điều thuộc về văn hóa gia đình và thế hệ đi trước phải dung dưỡng về niềm tự hào, tự tôn dân tộc, về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Trong đó có những phong tục, tập quán ngày Tết để chúng ta cùng nhau phát triển, lưu giữ cũng như để lan truyền, định vị rõ hình ảnh của Tết Việt trong tâm thức người Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới". Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Có thể có những thay đổi giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại bởi khoảng cách thế hệ nhưng sự đan xen đó cũng là cách để mỗi người có một góc nhìn về Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình. Dù mọi vạn vật có thay đổi thì Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn trở về với gia đình, dành cho bố mẹ, ông bà những tình cảm, lời chúc chân thành từ tận trái tim.

Chúng ta tự hào, biết ơn các thế hệ trước đã để lại cho thế hệ sau một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Thế hệ ông cha ta đã dạy ta biết sống nhân văn, biết yêu thương, giữ gìn giá trị thiêng liêng của đạo đức làm người là điều mà người Việt luôn luôn hướng tới, luôn phải biết "uống nước nhờ nguồn" về quê hương đất nước, yêu quý văn hóa dân tộc và bảo vệ, phát huy văn hóa Việt.


baochinhphu.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3476823

PHƯỜNG ĐỒNG QUANG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 115 đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Mai Thị Phương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Đồng Quang. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.661
  • dongquang@thainguyencity.gov.vn