Thường xuyên tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

2024-04-27 12:47:00.0

Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII)

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào về những thành quả của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Đó là do có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc; nhất là trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, toàn Đảng, toàn dân ta đã trải qua những bước phát triển quan trọng về tư duy và hành động, tạo đà cho nền kinh tế “cất cánh” và không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình đó đặt ra không ít những vấn đề cũ, mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp cần phải tập trung giải quyết, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, nạn tham nhũng, tiêu cực,… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm tổn hại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ mà bao năm nay toàn Đảng, toàn dân ta dày công vun đắp.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện.

Thiết nghĩ, mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, luôn phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật; không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất người công bộc của dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; thường xuyên nghiêm túc “tự soi”, “tự sửa”, có trách nhiệm cao về lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác.

Đảng viên là cán bộ chủ chốt, là người đứng đầu cần thể hiện rõ nét vai trò tiên phong gương mẫu, nói và làm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất định phải là tấm gương cho đảng viên, quần chúng noi theo.

Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát để điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức nhằm tăng cường công tác quản lý và nhận xét, đánh giá đúng cán bộ, đảng viên, góp phần phát huy các mặt tích cực, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, giữ gìn uy tín của người cán bộ, đảng viên.

Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, không bao biện làm thay, tạo điều kiện cho chính quyền chủ động, linh hoạt thực hiện chức năng, quyền hạn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc khen thưởng, động viên những gương điển hình, tiêu biểu.

Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cần phải được thực hiện nghiêm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự có phẩm chất và năng lực.

Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát để kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực…

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là nền tảng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

LÊ THỊ BÌNH (Phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội)

Nhận thức đúng về mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín

Theo dõi thông tin các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xử lý kỷ luật cán bộ, thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát ngày càng chặt chẽ, kỷ luật của Đảng ngày càng nghiêm minh.

Từ thực tế ấy, mừng là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, góp phần làm trong sạch đội ngũ, giữ gìn được uy tín của Đảng; song đáng buồn là niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo, điều hành của bộ máy, nhất là cấp cơ sở.

Liên hệ thực tiễn hiện nay với bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi càng thấy thấm thía những quan điểm rất sâu sắc.

Tổng Bí thư viết: Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao? Ở nơi này, nơi nọ đã chẳng có những “thủ trưởng” nói mà quần chúng, cấp dưới không muốn nghe, thậm chí còn bị quần chúng chê trách, muốn “tẩy chay” đó sao? Rõ ràng, giữa chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau nhưng không phải là một.

Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo.

Bởi lẽ đó mà công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng được quy định chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, bảo đảm phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu rõ: Quy định này áp dụng đối với tổ chức đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Với quy định này, sẽ không còn có chuyện “hạ cánh an toàn”, cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ phải có trách nhiệm cao hơn và trách nhiệm đến tận cùng với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Thực hiện đúng quy định thì những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời được xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Và nhiều quy định khác liên quan tạo nên quy trình chặt chẽ trong đánh giá, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân.

Thế nhưng không phải người cán bộ nào cũng nhận thức được đầy đủ những vấn đề nêu trên.

Số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy vẫn có nhiều người coi thường việc giữ gìn, xây dựng uy tín hoặc lầm tưởng cứ có chức vụ là có uy tín, không cần phải cố gắng nữa, cho nên thiếu cảnh giác với chính mình, buông thả, chủ quan trong công tác, không học tập, rèn luyện, không khiêm tốn, không dân chủ khi bàn bạc công việc, cá nhân, độc đoán, thích người khác trọng vọng, quỵ lụy mình…

Từ đó mà họ dần dẫn tới phạm sai lầm, không chỉ làm mất uy tín cá nhân mà còn làm tổn hại đến thanh danh của Đảng.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Nó phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự nỗ lực chủ quan của một người, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là các yếu tố: Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ và có mối quan hệ đúng đắn với quần chúng, trước hết là những người cùng công tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình. Không có những yếu tố đó, người lãnh đạo không thể có uy tín được.

Thiết nghĩ, những yếu tố nêu trên cần được quán triệt sâu sắc gắn với thực hiện nghiêm các quy định hiện nay của Đảng liên quan đến công tác cán bộ, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bài viết mặc dù ra đời đã từ lâu nhưng vẫn nguyên tính thời sự và có nhiều điều để suy ngẫm, rút kinh nghiệm trong quá trình làm công tác cán bộ hiện nay.

NGUYỄN TRUNG THỰC (Phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn)


nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3388518

PHƯỜNG ĐỒNG QUANG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 115 đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Mai Thị Phương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Đồng Quang. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.661
  • dongquang@thainguyencity.gov.vn